Những ích lợi của âm nhạc mozart mang lại

Đỗ Văn Đại 27/06/2019
nhung-ich-loi-cua-am-nhac-mozart-mang-lai

NHỮNG ÍCH LỢI CỦA ÂM NHẠC MOZART MANG LẠI

 

Các bác sĩ tại Viện thần kinh London (Anh) trong một lần chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh động kinh đã tình cờ phát hiện ra rằng nghe nhạc Mozart 45 phút mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Sau quá trình điều trị, kết quả kiểm tra não của bệnh nhân này đã cho thấy có sự thay đổi đáng kể về số lượng các tế bào não, tăng khả năng học tập, chỉ số IQ, những tổn thương về thần kinh được hạn chế và thị lực cũng có những dấu hiệu được cải thiện một cách đáng kể.

Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết: trong não người và động vật nói chung có một vùng não rất nhạy cảm với âm nhạc, chúng có nhiệm vụ tiếp nhận các âm sắc từ những bản nhạc mà con người nghe được.

Khi tiếp xúc với những bản nhạc có âm sắc phù hợp, phần não này trở nên hoạt động tích cực hơn, kéo theo sự hồi phục của các khu vực chức năng khác trong não. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định: nhạc Mozart là loại nhạc mang tính tư duy cao, có sự pha trộn và tổ chức tiết tấu phức tạp đạt đến trình độ cao. 

Do đó, khi nghe loại nhạc này, người nghe như được “đánh thức” một số chức năng não. Não của họ như được truyền những luồng sóng kích thích mạnh, giống như sóng điện não và chính điều đó giúp cho não hoạt động hiệu quả.

Các nhà khoa học và các chuyên gia phân tích âm nhạc đã phát hiện ra rằng: trong kỹ thuật “thiết kế” âm thanh độc đáo chỉ có ở thiên tài Mozart, thường xuyên có sự xuất hiện những đoạn nhạc lặp lại với tần số cao hơn nhiều so với các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như: Beethoven, Bach, Wagner hay Chopin....

Sau một đợt điều trị thử nghiệm bằng nhạc Mozart, các bác sĩ thuộc bệnh viện tổng hợp Mexico đã cho biết: Trong số 9 bệnh nhân mắc chứng động kinh được áp dụng phương pháp kích thích sóng não bằng nhạc Mozart, thì có 4 bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến bệnh đạt mức 95%, 4 bệnh nhân đạt mức phục hồi 50% đến 70%.

Dưới đây là một số tác động của nhạc Mozart đối với con người:

1. Kích thích trí thông minh:

Sau một cuộc kiểm tra IQ được tiến hành tại Mỹ, các nhà khoa học nước này đã cho biết: nhóm học sinh được thư giãn bằng bản sonata K488 của Mozart có kết quả trắc nghiệm IQ trung bình cao hơn nhóm khác từ 9 đến 10 điểm. Tốc độ hoạt động não và nhiều hoạt động khác của trẻ được nghe nhạc Mozart trở nên nhanh nhạy hơn, năng động hơn bình thường

2. Tăng cường chức năng thị giác:

Kết quả một cuộc thử nghiệm mới của các nhà khoa học về tác động của bản sonata K448 đối với 60 bệnh nhân tại Trường đại học Y dược Sao Paolo đã hé mở những khả năng về việc vùng não kiểm soát chức năng thị giác của con người được tăng cường tốc độ phân tích, và xử lý hình ảnh với độ chính xác cao.

Những người tham gia cuộc thử nghiệm đã được “thưởng thức” những bản sonata của Mozart tại một phòng kín trong 10 phút. Sau đó, họ bắt đầu các cuộc kiểm tra sự phối hợp chức năng của thị lực và não bộ. Quá trình xử lý thông tin diễn ra rất nhanh và chính xác ở vùng não chức năng.

3. Giúp ổn định nhịp tim, giảm stress và phục hồi thần kinh:

Nghe nhạc Mozart có thể khiến cho nhịp tim con người trở nên ổn định hơn. Nghiên cứu khoảng 23 trường hợp thanh niên tình nguyện tham gia nghiên cứu, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Oberwalliser - Thụy Điển đã khẳng định: việc nghe nhạc rất ích lợi đối với bệnh tim. Trong nghiên cứu này, ngoài nhạc Mozart, các bác sĩ còn phát hiện thêm các bản nhạc của nhà soạn nhạc danh tiếng Bach cũng có những tác động ổn định nhịp tim tương tự. 

Trẻ sơ sinh được nghe nhạc Mozart cũng giúp giảm được đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh sau khi sinh. Trong quá trình nghe nhạc, một thiết bị camera đã ghi lại toàn bộ những hoạt động và biểu hiện của trẻ sơ sinh và đã công nhận âm nhạc Mozart đã có những ảnh hưởng tuyệt vời đến trạng thái tinh thần của trẻ.Có thể nói Mozart không chỉ là thiên tài âm nhạc mà còn là một thiên thần của trẻ thơ!

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN